Mùa đông sắp đến gần là thời điểm cho nhiều bệnh xuất hiện nhất là đối với trẻ em. Do đó, các phụ huynh nên cẩn thận trong việc chăm sóc con cái và nhất là nên tìm hiểu về các bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa đông để có cách phòng bệnh cho con. Một trong số các bệnh mà trẻ nhỏ thường mắc phải vào mùa đông phải kể đến bệnh quai bị.
Quai bị là một bệnh lành tính, tỷ lệ biến chứng không nhiều, chỉ là một phần một nghìn. Tuy nhiên nếu không được phòng bệnh và chữa trị kịp thời thì sẽ dẫn đến trẻ có thể bị vô sinh. Nhất là ở trẻ trai sau khi bị sưng tuyến mang tai từ 7 - 10 ngày có thể bị viêm tinh hoàn. Nếu không được chữa trị kịp thời tình trạng viêm nặng hơn, sẽ ảnh hưởng đến ống dẫn tinh, một trong nhiều nguyên nhân gây vô sinh. Ngoài ra trẻ cũng có thể bị viêm não, màng não, xảy ra vào ngày thứ 3-10 với các triệu chứng sốt cao, nhức đầu, ói mửa, đôi khi có co giật... Do đó, phụ huynh trước hết phải biết cách phòng bệnh cho con để trẻ không mắc phải bệnh này.
Bệnh quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do một loại siêu vi thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Biểu hiện chủ yếu của bệnh là sốt và sưng, đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt. Thường gặp ở tuyến nước bọt mang tai, đôi khi có thể viêm ở tuyến nước bọt dưới lưỡi hoặc tuyến dưới hàm. Vào mùa đông, đây là căn bệnh thường xuyên xảy ra đối với trẻ em
Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt, hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh được văng ra khi người bệnh ho hoặc nhảy mũi.
Người bị bệnh quai bị có thể lây lan cho người khác 1 tuần trước khi sưng tuyến mang tai và kéo dài 2 tuần sau khi sưng tuyến mang tai. Thời gian lây mạnh nhất vào khoảng 2 ngày trước khi viêm tuyến mang tai.
Nếu đang mắc bị quai bị mà trẻ có biểu hiện bất thường như: đau tinh hoàn, sờ rắn lại ở trẻ trai, đau bụng dưới ở bé gái hoặc thấy đau đầu, nôn... Trẻ cũng có thể bị sốt cao, khô miệng, hàm bị sưng to. Khi gặp phải các triệu chứng này thì cần đến bệnh viện để kiểm tra sớm. Thông thường, bệnh có thể diễn tiến khoảng 7 - 10 ngày sẽ tự khỏi nếu như không có biến chứng.
Như đã biết, bệnh quai bị thường xảy ra ở trẻ em vào mùa đông, bệnh về cơ bản không gây nguy hiểm và có thể tự khỏi. Tuy nhiên nếu vì thế mà chủ quan, không chữa tị kịp thời sẽ có thể gây ra các biến chứng. Trẻ có thể sẽ bị vô sinh là hậu quả nặng nề nhất. Do đó, cách tốt nhất là phụ huynh nên có biện pháp phòng bệnh cho trẻ.
Để phòng bệnh, điều cơ bản là chống lạnh (mũ, áo, khăn quàng cổ, tắm nước ấm...) và đeo khẩu trang chống bụi. Bố mẹ cần lưu ý giữ ấm cho con, đồng thời thay trang phục cho trẻ phù hợp với nhiệt độ môi trường (buổi sáng và tối mặc ấm, trưa nắng nên cởi bớt đồ), hạn chế cho bé ra ngoài trời lúc có sương, gió.
Thường xuyên làm thông thoáng đường thở, vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Ăn uống đủ chất để có năng lượng chống lạnh và súc miệng nước muối hằng ngày. Nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn thêm các loại trái cây, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng. Đồng thời, cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, thông thoáng khí.
Thường xuyên nhắc trẻ hoặc vệ sinh sạch sẽ cho trẻ trước khi ăn và sau khi chơi đùa phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng.
Bên cạnh đó, việc quan trọng là nên đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh. Hiện nay bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc xin phòng bệnh quai bị thường kết hợp với phòng sởi và rubella (Trimovax, MMR).
Cách tiêm phòng quai bị cho trẻ:
1. Trẻ em từ 9 tháng – 12 tháng tuổi: tiêm 3 lần
+ Lần 1: lúc 9 tháng tuổi
+ Lần 2: sau lần 1 sáu tháng
+ Lần 3: từ 4-12 tuổi
2. Trẻ em từ 12 tháng - 5 tuổi: tiêm 2 lần
+ Lần 1: lúc 12 tháng tuổi
+ Lần 2: từ 4-12 tuổi
3. Trẻ em trên 5 tuổi và người lớn: chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất.
Không có nhận xét nào: