Cơ thể chúng ta luôn luôn phải vận động và những lúc đi lại thì bạn phải nhờ đến khớp gối. Chính vì việc thường xuyên phải gánh sức nặng của toàn bộ cơ thể nên khớp gối rất dễ bị tổn thương và nhanh bị thoái hoá. Bệnh thoái hoá khớp gối ảnh hưởng rất lớn đến chức năng vận động đi lại cũng như sinh hoạt hàng ngày của bạn. Chúng ta không thể đẩy lùi tình trạng thoái hoá ở khớp và chỉ có thể chữa trị các triệu chứng và kìm hãm bệnh phát triển mà thôi. Do vậy bạn cần phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời để tránh làm ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ cũng như chất lượng sống của mình.
1. Triệu chứng của bệnh thoái hoá khớp gối
- Khớp gối thường xuyên bị đau, các cơn đau chủ yếu xuất hiện vào ban đêm, lúc mới xuất hiện thì bệnh chỉ gây đau nhẹ nhưng khi bệnh nặng thì nó gây đau nhiều điểm xung quanh khớp gối và cơn đau tăng lên khi bạn thực hiện các tác động mạnh lên đầu gối như leo cầu thang, đứng lên ngồi xuống...
- Thường lúc mới ngủ dậy vào sáng sớm khớp gối sẽ hơi đau và có cảm giác cứng khớp rất khó vận động, bạn cần nghỉ ngơi xoa bóp một chút thì biểu hiện này mới bớt dần.
- Có khi khớp gối bị sưng lên do bị tràn dịch khớp. Nếu chọc hút thì đau sẽ giảm xuống nhưng gối s3 sưng trở lại sau mấy ngày vì chúng ta không thể ngăn chặn được dứt điểm tình trạng tràn dịch ở khớp gối
- Bệnh nặng khớp gối bị biến dạng vẹo vào trong làm chân có dạng vòng kiềng.
- Người bệnh đi đứng rất đau, phải dùng khung hoặc nạng hổ trợ. Gập duỗi gối bị hạn chế.
2. Điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bằng vật lý trị liệu
Điều trị vật lý trị liệu không chỉ giảm đau, giảm phù nề, tăng lực cơ, tăng tầm vận động khớp gối mà còn phục hồi các chức năng sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Giảm đau, tăng tuần hoàn: chiếu đèn hồng ngoại, chườm nóng, chiếu thấu nhiệt vi sóng, điều trị bằng các dòng điện giảm đau (dòng Ten, dòng giao thoa…), sóng siêu âm giảm đau, kháng viêm, làm mềm tổ chức tổn thương xơ sẹo trong sâu, hướng dẫn sử dụng băng thun hoặc bó gối để cố định khớp gối khi đi lại, lên xuống cầu thang.
Huấn luyện cơ, tập mạnh các nhóm cơ gập duỗi khớp gối, các nhóm cơ gập duỗi dang áp khớp hông để hỗ trợ khớp gối tùy vào lực cơ người bệnh, gia tăng tầm vận động khớp gối, độ di động xương bánh chè: kỹ thuật P.N.F, tập đề kháng bằng tay, bằng tạ, dây thun co giãn, tập di động xương bánh chè, tập chịu sức, lên xuống cầu thang.
Với người bị thoái hóa khớp gối thì việc giảm cân, thay đổi lối sống như tránh ngồi xổm, tránh ngồi xếp bằng, hạn chế leo cầu thang hay leo dốc, hạn chế khiêng vác nặng là chuyện cần làm suốt đời. Có thể mang nẹp gối trong giai đoạn đang bị đau, nhưng sau đó cần phải tập cơ tứ đầu để có một khớp gối vững khi đi đứng, vì khi bị đau gối bao giờ cơ tứ đầu đùi cũng bị teo nhỏ.
Không có nhận xét nào: